Kiến Thức Nông Nghiệp

Tiêu chí tạo nên dung dịch dinh dưỡng cân bằng cho cây

17/06/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Dung dịch dinh dưỡng là hỗn hợp các đa chất, vi chất, khoáng chất dưới dạng các i-on hòa tan được pha vào nước để cây hấp thụ. Dù vậy, nếu chỉ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây là chưa đủ, dung dịch dinh dưỡng cần phải đạt được trạng thái cân bằng mới được xem là giúp ích cho sự phát triển của cây, cân bằng ở đây bao gồm nồng vừa đủ của các nguyên tố dinh dưỡng, ổn định pH, EC trong phạm vi cho phép,... Sau đây, Agmin mời bà con tham khảo các tiêu chí tạo nên một dung dịch dinh dưỡng cân bằng.

Dung dịch dinh dưỡng cân bằng là dung dịch đáp ứng các tiêu chí sau:

1. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây

2. Nồng độ các chất dinh dưỡng ở mức cho phép

3. Tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng và giữa các dạng dinh dưỡng ở mức phù hợp

4. Nồng độ các nguyên tố không gây ngộ độc cho cây

5. Độ pH của dung dịch ở mức ổn định

6. EC của dung dịch nằm trong phạm vi tối ưu

1. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu

Điều này đặc biệt quan trọng trong canh tác thủy canh, bởi vì dung dịch dinh dưỡng là nguồn cung cấp dưỡng chất duy nhất cho cây. Do đó, dung dịch phải chứa tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu, bất kể dinh dưỡng được bổ sung bằng phân bón hay có mặt trong nguồn nước tự nhiên.

dung dich dinh duong can bang

Dung dịch dinh dưỡng là nguồn cung cấp dưỡng chất duy nhất trong thủy canh.

2. Nồng độ các chất dinh dưỡng ở mức cho phép

Nhu cầu dinh dưỡng của cây thay đổi trong suốt quá trình sinh trưởng, mỗi giai đoạn sẽ phát sinh nhu cầu riêng. 

Ngoài đặc trưng của mỗi giai đoạn sinh trưởng, nồng độ dinh dưỡng cần thiết còn chịu ảnh hưởng từ các điều kiện môi trường như nhiệt độ, cường độ ánh sáng và độ ẩm, bởi vì đây là các yếu tố tác động đến tốc độ thoát hơi nước, quang hợp và năng suất tiềm năng của cây.

Theo đó, nồng độ các chất dinh dưỡng phải nằm trong phạm vi thích hợp với nhu cầu của từng loại cây, mỗi giai đoạn sinh trưởng, và phải xét đến các điều kiện môi trường bên ngoài.

Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ dữ liệu cụ thể nào về nồng độ dinh dưỡng phù hợp cho từng loại cây và các điều kiện môi trường, do đó, chúng ta chỉ có thể căn cứ vào nồng độ tối đa được khuyến nghị cho mỗi chất dinh dưỡng như sau:

nong do cac chat dinh duong

Trong đó, nồng độ dinh dưỡng tối đa được áp dụng cho các loại cây như cà chua, tiêu, dưa chuột và đối với dung dịch pha loãng = ½ hoặc ¼ nồng độ khuyến nghị, còn những loại cây như rau diếp, rau mùi tây và dâu tây thì áp dụng nồng độ thấp hơn.

3. Tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng và giữa các dạng dinh dưỡng ở mức phù hợp

Một dung dịch dinh dưỡng cân bằng phải đảm bảo tỷ lệ tối ưu giữa các chất dinh dưỡng và giữa các dạng dinh dưỡng. Các tỷ lệ tối ưu này sẽ thay đổi theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Ví dụ, đối với nhiều loại cây như cà chua, dưa chuột, hồ tiêu, tỷ lệ N:K tối ưu ở giai đoạn sinh dưỡng là 1:1, còn ở giai đoạn đậu trái thì tỷ lệ cần thiết tăng lên 1:2–1:2,5. Nguyên nhân là do cây cần nhiều Kali hơn để nuôi quả. Đối với các loại cây ăn lá, tỷ lệ N:K có thể duy trì ở mức 1:1 trong suốt chu kỳ sinh trưởng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý đến tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng cạnh tranh hấp thụ. Dư thừa chất này có thể khiến chất kia bị thiếu hụt. Tình trạng này thường xảy ra với các ion có cùng điện tích và kích thước.

Ví dụ, tỷ lệ Ca:Mg, K:Mg, K:NH4. Thừa Canxi, Magie gây thiếu Kali và ngược lại.

Tỷ lệ amoni trên nitrat (N-NH4:N-NO3) là đặc biệt nhất, vì đây là tỷ lệ giữa các dạng khác nhau của cùng một chất dinh dưỡng. Dư thừa Amoni có thể khiến nhiều loại cây như là cà chua và dâu tây bị ngộ độc; đồng thời làm giảm độ pH trong hệ thống rễ. Tỷ lệ amoni:nitrat tối ưu cho hầu hết các loại cây là khoảng 1:10. Riêng các loại cây ưa chua, chẳng hạn như quả việt quất và đỗ quyên, sẽ được hưởng lợi từ tỷ lệ amoni: nitrat cao hơn.

4. Nồng độ các nguyên tố không gây ngộ độc cho cây

Các nguyên tố như Clorua, Natri, Bo, Mangan, Kẽm, Sắt, Florua có thể khiến tế bào ngộ độc nếu nồng độ của chúng vượt quá ngưỡng chịu đựng của cây.

Mặt khác, nước ngầm có thể chứa hàm lượng Clorua, Natri, Bo và Florua ở mức cao, vì vậy, trong một số trường hợp nhất định, chúng ta phải xử lý nước trước khi sử dụng cho dung dịch dinh dưỡng, tuy nhiên công đoạn này thường khá tốn kém.

5. Độ dẫn điện (EC) của dung dịch trong phạm vi tối ưu

Giá trị EC biểu thị cho tổng nồng độ muối trong dung dịch dinh dưỡng. Vì các chất dinh dưỡng được sử dụng ở dạng muối nên thông qua EC, chúng ta có thể biết được tổng nồng độ các chất dinh dưỡng trong dung dịch. Tuy nhiên, EC lại không bao gồm nồng độ của các chất dinh dưỡng và các nguyên tố mà cây không cần đến, chẳng hạn như Natri cũng là chất góp phần vào mức độ EC. Hơn nữa, EC của dung dịch dinh dưỡng phải nằm trong phạm vi chịu mặn của cây.

Một dung dịch dinh dưỡng cân bằng sẽ chứa tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu ở mức phù hợp và EC của nó nằm trong phạm vi EC được khuyến nghị cho mỗi loại cây.

Chúng ta phải thường xuyên theo dõi giá trị EC của dung dịch. Trong các hệ thống thủy canh khép kín, nơi dung dịch dinh dưỡng được tuần hoàn, EC của dung dịch tăng lên sẽ dẫn đến sự tích tụ các nguyên tố không mong muốn và bắt buộc chúng ta phải dùng dung dịch mới.

6. Độ pH của dung dịch ở mức ổn định

Độ pH của dung dịch dinh dưỡng phải nằm trong phạm vi tối ưu cho cây. Trong canh tác thủy canh, độ pH của dung dịch dinh dưỡng có thể dao động do hoạt động của rễ. Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên theo dõi để đảm bảo pH luôn ở mức ổn định.

Độ ổn định của pH cũng phụ thuộc vào độ kiềm của nước. Các dung dịch dinh dưỡng có nồng độ bicarbonate thấp sẽ dễ bị dao động độ pH hơn.

Dưới đây là phạm vi EC và pH tối ưu cho các loại cây trồng khác nhau:

pham vi EC va pH toi uu cho cay

Trên đây là các tiêu chí của một dung dịch dinh dưỡng cân bằng. Ngoài ra, bà con có thể tham khảo thêm Cách tính dung dịch dinh dưỡng cho tưới bón và thủy canh để nắm được các bước pha chế dung dịch dinh dưỡng đáp ứng tốt nhu cầu của cây trồng.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: