Kiến Thức Nông Nghiệp

Thời điểm bón phân tốt nhất là khi nào?

07/06/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Các khuyến nghị về việc sử dụng phân bón tập trung xoay quanh 2 vấn đề chính đó là tỷ lệ sử dụng phân bón và thời điểm bón phân. Việc bón đúng tỷ lệ phân rất quan trọng và lựa chọn thời điểm bón cũng quan trọng không kém. Bởi vì bón đúng loại phân bón vào đúng thời điểm có ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng, giảm thất thoát chất dinh dưỡng và tránh gây hại cho môi trường. Vậy thời điểm bón phân phù hợp nhất là khi nào? Hãy cùng Agmin giải đáp câu hỏi này trong bài viết sau đây.

1. Bón phân đúng thời điểm cây cần

thoi diem bon phan

Bón phân đúng với thời điểm cây cần.

Nhu cầu dinh dưỡng của cây sẽ thay đổi tùy theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của nó. Mỗi loại cây đòi hỏi các tỷ lệ dinh dưỡng khác nhau tại các thời điểm nhất định trong suốt chu kỳ sinh trưởng. Ví dụ, tỷ lệ N:K thường cao hơn ở giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng, trong đó cây trồng hấp thụ Đạm nhiều hơn Kali, và tỷ lệ này thấp hơn ở giai đoạn sinh sản.

Thời điểm bón phân có thể ảnh hưởng đến sự sẵn có của các chất dinh dưỡng. Do đó, muốn cây trồng tăng trưởng tối ưu, chúng ta phải đảm bảo có đủ chất dinh dưỡng vào lúc cây cần hấp thụ.

Nếu được bón quá sớm trong mùa sinh trưởng, các chất dinh dưỡng rất dễ bị thất thoát do rửa trôi hoặc xói mòn. Mặt khác, bón quá muộn thì không đáp ứng kịp thời nhu cầu dinh dưỡng của cây.

thoi diem bon phan npk cho khoai tay

Ví dụ: Thời điểm bón NPK cho cây khoai tây.

2. Thời điểm bón phân phù hợp với khả năng chịu mặn của cây

Bón phân ở mức độ cao ảnh hưởng trực tiếp đến độ mặn của đất. Ảnh hưởng của mỗi chất dinh dưỡng đối với độ mặn của đất được biểu thị bằng ‘Chỉ số muối”. Phân bón có chỉ số muối càng cao thì càng dễ làm tăng độ mặn của đất, gây tổn thương hạt giống, cây con và làm hỏng rễ. Vì vậy, để giảm nguy cơ làm tăng độ mặn của đất, chúng ta cần chia nhỏ lượng phân bón cho mỗi lần sử dụng.

Do đó, khi lập kế hoạch bón phân cho cây, chúng ta phải suy tính đến các yếu tố như khả năng chịu mặn của cây, chất lượng nước tưới và độ mặn của đất.

3. Ảnh hưởng của tính chất đất đối với thời điểm và tần suất bón phân

Thành phần khoáng chất và kết cấu ảnh hưởng đáng kể đến khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng của đất, do đó, tính chất của đất quyết định thời gian và tần suất bón phân cần thiết.

Khả năng trao đổi cation của đất (CEC) – CEC là một chỉ số biểu thị cho khả năng giữ các chất dinh dưỡng của đất, chẳng hạn như Kali, Canxi, Magie và Nitơ amoni. CEC của đất càng cao thì đất càng có khả năng giữ, lưu trữ nhiều chất dinh dưỡng hơn. Để tránh thất thoát chất dinh dưỡng trong đất có CEC thấp, chẳng hạn như đất cát, chúng ta cần bón phân ít hơn và tần suất bón thường xuyên hơn so với đất có CEC cao.

Kết cấu đất – Kết cấu đất và CEC có mối tương quan cao. Đất có kết cấu thô thường có CEC thấp hơn đất có kết cấu mịn. Hơn nữa, kết cấu đất còn ảnh hưởng đến lịch tưới nước cho cây. Đất có kết cấu thô đòi hỏi phải tưới thường xuyên hơn, vì khả năng giữa nước của nó kém hơn đất có kết cấu mịn. Tuy nhiên, tần suất tưới cao hơn dẫn đến quá trình rửa trôi chất dinh dưỡng mạnh hơn và do đó, chúng ta cần phải chia nhỏ lượng phân cho mỗi lần bón để giảm thiểu thất thoát dưỡng chất.

tinh chat dat anh huong tan suat va thoi diem bon phan

Tính chất đất ảnh hưởng tần suất và thời điểm bón phân.

4. Thời điểm bón phân đạm

Trong tất cả các chất dinh dưỡng, Nitơ là chất dễ bị thất thoát nhất do quá trình lọc, khử nitrat và bay hơi. Do đó, chọn thời điểm để bón Nitơ là điều rất quan trọng. Như đã đề cập ở trên, quá trình rửa trôi xảy ra phổ biến hơn ở các loại đất có kết cấu thô, khi đó lượng Nitrat mất đi có thể lên tới 50% lượng Nitơ được bón. Vì vậy, việc bón lót Đạm trước khi gieo trồng, đặc biệt là ở vùng đất cát và nơi có lượng mưa cao, sẽ làm tăng nguy cơ rửa trôi.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng Nitơ, chúng ta cần cân nhắc đến việc chia nhỏ lượng phân Đạm phù hợp hơn với nhu cầu của cây.

5. Thời điểm bón phân lân

Phốt pho là chất khó hòa tan trong đất và không dễ để cây hấp thụ. Bởi vì Phốt pho bị cố định vào các hạt đất cho nên phân lân thường được dùng để bón lót trước khi gieo trồng, giúp các chất trong phân có thời gian phân hủy thành dạng dễ hấp thụ, khi cây ra rễ là có sẵn nguồn dinh dưỡng để hấp thụ.

Nên tránh bón phân lân trong mùa mưa cao điểm vì lúc này Phốt pho rất dễ bị thất thoát do rửa trôi hay xói mòn.

Để tăng hiệu quả sử dụng phân lân, chúng ra nên chia phân thành tỷ lệ nhỏ rồi bón thông qua nước tưới. Việc hòa tan phốt pho giúp cây kịp hấp thụ dưỡng chất trước khi quá trình cố định xảy ra.

Trên đây là các thông tin liên quan đến thời điểm bón phân cho cây mà Agmin muốn chia sẻ cùng bà con nông dân. Ngoài ra, bà con cần lưu ý thêm, thời gian thích hợp là bón phân vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Mùa nắng không nên bón phân vào buổi trưa vì nhiệt độ cao phân sẽ gây tổn thương cho dễ làm tăng nguy cơ héo hay chết cây. Mùa mưa to tránh bón các loại phân dễ tan.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: