Kiến Thức Nông Nghiệp

Rối loạn dinh dưỡng cây trồng là gì? Nguyên nhân và triệu chứng nhận biết

04/06/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Bên cạnh phân tích đất và mô thực vật, phát hiện và khắc phục các triệu chứng rối loạn dinh dưỡng cũng là 1 phần thiết yếu trong quản lý dinh dưỡng cây trồng, giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao. Vậy nguyên nhân nào khiến cây trồng rối loạn dinh dưỡng? Và làm thế nào để nhận biết các triệu chứng rối loạn. Agmin mời bà con theo dõi thông tin chi tiết trong bài viết sau.

1. Rối loạn dinh dưỡng cây trồng là gì?

Rối loạn dinh dưỡng là tình trạng cây bị thiếu hụt hoặc dư thừa chất dinh dưỡng so với mức cần thiết. Tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân rối loạn, trên cây trồng sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau.

cay trong roi loan dinh duong

Vàng lá do rối loạn dinh dưỡng.

Theo đó, để chẩn đoán chính xác cây bị rối loạn dinh dưỡng như thế nào, chúng ta cần phải trang bị cả kiến thức, kỹ năng lẫn kinh nghiệm, bởi vì:

  • Triệu chứng rối loạn dinh dưỡng ở mỗi loài thực vật không giống nhau. Tức là cùng 1 dạng rối loạn nhưng triệu chứng ở loài cây này hoàn toàn khác triệu chứng ở loài cây kia.
  • Không phải tất cả các triệu chứng bất thường đều bắt nguồn từ rối loạn dinh dưỡng. Một số triệu chứng hư hại do côn trùng, dịch bệnh hoặc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ra khá giống với các triệu chứng thiếu hụt hoặc ngộ độc chất dinh dưỡng.
  • Triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng xảy ra do khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cây bị hạn chế khi gặp phải các yếu tố căng thẳng như: hạn hán, ngập úng, rễ bệnh, v.v…

Cho nên: Muốn “bắt đúng bệnh, trị đúng thuốc”, điều cốt lõi là chúng ta phải xác định được nguyên nhân vì sao cây trồng xuất hiện các triệu chứng sức khỏe bất thường.

Khi bị thiếu hụt hoặc dư thừa dinh dưỡng, cây trồng biểu hiện các triệu chứng đặc trưng sau:

  • Vàng lá (chlorosis) - Toàn bộ hoặc chỉ những lá nằm riêng lẻ bị chuyển sang màu vàng. Biểu hiện úa vàng ở phần thịt lá nằm giữa các đường gân hay bao phủ trọn bề mặt lá.
  • Hoại tử – Tức là chết mô thực vật. Mô chết chuyển thành màu nâu hoặc đen. Mô bị hoại tử thường nằm ở đầu hoặc mép lá, đôi khi là những đốm đen trên lá và trên quả.
  • Mất màu hoặc đổi màu – Lá và thân cây bị mất màu hoặc đổi màu nhưng không phải do úa vàng. Lúc này, lá và thân có thể chuyển sang màu tím, đỏ, xanh đậm hoặc mất màu (trắng nhợt nhạt),...
  • Biến dạng – Lá hoặc quả phát triển không bình thường.

Hình dạng và vị trí của các triệu chứng rối loạn dinh dưỡng là chìa khóa để xác định vấn đề cây đang mắc phải.

2. Nguyên nhân cây trồng rối loạn dinh dưỡng

Rối loạn dinh dưỡng không nhất thiết là hệ quả của sự thiếu hụt hoặc dư thừa chất dinh dưỡng trong đất hoặc trong nước. Rối loạn cũng có thể bắt nguồn từ các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn có của chất dinh dưỡng. Việc xác định nguyên nhân cây thiếu hụt chất dinh dưỡng và tiến hành khắc phục thường đem lại hiệu quả hơn là tập trung bón nhiều phân.

Các nguyên nhân dẫn đến rối loạn dinh dưỡng ở cây trồng bao gồm:

  • Các chứng bệnh về rễ - Khiến cho khả năng hấp thụ dưỡng chất của cây kém đi, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
  • Tưới nước hoặc mưa quá nhiều – Dẫn đến thiếu oxy và cản trở hoạt động của bộ rễ.
  • Thiếu nước – Kìm hãm dòng chảy của chất dinh dưỡng vào rễ. Hơn nữa, một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như canxi, cần nước để di chuyển bên trong cây, vì vậy, thiếu nước liên quan trực tiếp đến nguy cơ thiếu hụt các chất dinh dưỡng này.
  • Độ pH – Có vai trò quan trọng đối với các chuyển hóa trong đất và nước, do đó ảnh hưởng đến sự sẵn có của các chất dinh dưỡng.
  • Cạnh tranh hấp thu giữa các chất dinh dưỡng – Thừa chất này có thể dẫn đến thiếu chất kia, nguyên nhân là do sự phản ứng đối kháng giữa các chất dinh dưỡng trong quá trình hấp thu.

3. Triệu chứng rối loạn dinh dưỡng xuất hiện ở vị trí nào?

Khả năng di chuyển, hay còn gọi là chuyển vị, của mỗi chất dinh dưỡng trong mạch rây (phloem) là yếu tố quyết định vị trí xuất hiện triệu chứng rối loạn do thiếu hụt hay ngộ độc dinh dưỡng ở cây trồng.

  • Chất dinh dưỡng chuyển vị có thể di chuyển từ lá già sang lá non.
  • Trong khi chất dinh dưỡng không chuyển vị thì cố định tại một nơi.

Do đó, các triệu chứng thiếu hụt chất dinh dưỡng chuyển vị, ban đầu sẽ xuất hiện trên các lá già (ở tầng thấp) rồi sau đó xuất hiện ở những lá non. Ngược lại, các triệu chứng thiếu hụt chất dinh dưỡng cố định chỉ xuất hiện trên những lá non.

3.1. Triệu chứng thiếu hụt chất dinh dưỡng chuyển vị

Chất dinh dưỡng Triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất
Triệu chứng xuất hiện trên lá già trước tiên
Nitơ Vàng lá hoặc lá xanh nhợt nhạt và còi cọc
Phốt pho Vàng lá và bị hoại tử từ mép vào bên trong, lá nhỏ hơn bình thường
Magie Thịt lá giữa các gân bị ngả vàng, có đốm hoại tử
Molypden Rìa lá úa vàng và hoại tử, phần thịt lá giữa các gân chuyển sang màu vàng
Kẽm Đốm hoại tử màu nâu đồng giữa các gân lá, lá nhỏ hơn bình thường (kể cả lá non)

3.2. Triệu chứng thiếu hụt chất dinh dưỡng cố định

Chất dinh dưỡng Triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất
Triệu chứng xuất hiện trên lá non trước tiên
Lưu huỳnh Lá non ngả vàng (hoặc toàn bộ cây), hoại tử phần đầu lá
Canxi Lá xoăn, mép lá hoại tử, rễ còi cọc. Triệu chứng cụ thể ở cây ăn quả bao gồm thối đầu hoa, đắng quả, nứt quả
Boron Mất điểm sinh trưởng, lá xoăn và giòn, lóng cây ngắn
Sắt Phần thịt lá giữa các gân úa vàng trước tiên rồi lan ra toàn bộ lá
Mangan Phần thịt lá giữa các gân úa vàng
Đồng Lá xoắn, úa vàng, xanh nhợt nhạt

thieu hut nito o cay ngo

Triệu chứng thiếu hụt Nitơ ở cây ngô.

thieu hut kali o dau nanh

Triệu chứng thiếu hụt Kali ở cây đậu nành.

thieu hut phot pho o cay ngo

Triệu chứng thiếu hụt Phốt pho ở cây ngô.

4. Loại trừ các triệu chứng hay bị nhầm lẫn với rối loạn dinh dưỡng

Như chúng ta đã đề cập ở trên, một số triệu chứng hư hại do côn trùng phá hoại hay dịch bệnh gây ra khá giống với rối loạn dinh dưỡng. Vì vậy, để hạn chế tình trạng nhầm lẫn, xác định sai bệnh của cây, chúng ta phải nhận biết dấu vết sâu hại trong vườn và làm quen với các triệu chứng mà chúng gây ra, đồng thời tìm hiểu điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của chúng.

Sau đây là một số lưu ý quan trọng giúp chúng ta hạn chế sự nhầm lẫn:

  • Bệnh thực vật và sâu bệnh – Bệnh có thể gây ra vàng lá và hoại tử mô, nên thường bị nhầm với triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng. Do đó, chúng ta phải hiểu rõ các dấu hiệu đặc trưng của từng loại bệnh. Ví dụ, dấu hiệu của bệnh sương mai không chỉ là vàng lá mà còn xuất hiện phần mịn màu trắng xám ở mặt dưới lá. Biết rõ các dấu hiệu này giúp chúng ta loại trừ khả năng cây vàng lá do thiếu dưỡng chất.
  • Virus khiến lá biến dạng và úa vàng, nên thường bị nhầm với rối loạn dinh dưỡng. Tuy nhiên, một số loài côn trùng chích hút như rệp, bọ trĩ cũng khiến cho lá ngả vàng và xơ xác.
  • Phun thuốc bảo vệ thực vật - Trong một số điều kiện nhất định, việc phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trên diện rộng, phun đại trà thiếu kiểm soát hoặc thành phần thuốc không phù hợp là nguyên nhân khiến cây bị hoại tử, vàng lá, lá biến dạng. Điều này rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng. Vì vậy, bằng cách tìm hiểu rõ tác dụng phụ, lưu ý khi sử dụng sẽ phần nào giúp chúng ta xác định được liệu rằng cây bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật hay bị rối loạn dinh dưỡng.
  • Căng thẳng do độ mặn - Một số biểu hiện rối loạn dinh dưỡng rất giống với tổn thương do độ mặn. Ví dụ, thiếu Kali gây ra hoại tử mép lá. Phân tích đất và/hoặc nước tưới để xác định xem độ mặn có phải là vấn đề hay không.

Trên đây là các thông tin liên quan đến rối loạn dinh dưỡng ở cây trồng mà Agmin muốn chia sẻ cùng bà con nông dân. Thiếu hay thừa dinh dưỡng đều là những tác động tiêu cực đến vòng đời và phẩm chất cây trồng. Chỉ khi phân tích đất và mô thực vật, chúng ta mới có thể nhận định chính xác nhu cầu dinh dưỡng của cây, để từ đó áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: