Kiến Thức Nông Nghiệp

Tầm quan trọng của phân tích mẫu đất trong nông nghiệp

30/06/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Phân tích mẫu đất nông nghiệp là một hoạt động rất quan trọng, góp phần vào việc cân bằng dinh dưỡng thực vật, hỗ trợ chẩn đoán các bệnh cây trồng và đồng thời sử dụng vừa đủ lượng phân bón cần thiết. Điều này giúp bà con nông dân có được định hướng quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong những giai đoạn tiếp theo.

1. Phân tích mẫu đất nông nghiệp là gì?

Phân tích mẫu đất là một hoạt động cơ bản, hỗ trợ chúng ta xác định tập tính, thành phần cơ giới, khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây của đất, v.v… Bằng việc phân tích đất, chúng ta sẽ biết được cây trồng đang thiếu hụt hoặc ngộ độc chất dinh dưỡng nào, do đó, việc phân tích đất cần được thực hiện thường xuyên.

phan tich mau dat nong nghiep

Phân tích mẫu đất trong phòng thí nghiệm.

Phân tích đất là cơ sở cho việc bón phân hợp lý, cải thiện điều kiện dinh dưỡng tối ưu cho cây trồng ở mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có nhiều phương pháp phân tích đất khác nhau, tùy theo từng phương pháp mà cách lấy mẫu đất và các tiêu chí đánh giá sẽ khác nhau.

Thông thường, người ta sử dụng phương pháp lấy mẫu đất ngẫu nhiên, lấy 12-16 điểm ở độ sâu 20 cm trong vùng diện tích 5-10 ha, sau đó trộn các mẫu đất lại với nhau để tạo thành một hỗn hợp. Phòng thí nghiệm sẽ tiến hành phân tích hỗn hợp đất này và cho ra kết quả.

2. Phân tích mẫu đất ở đâu?

Chúng ta có thể chủ động lấy mẫu đất, gửi tới phòng thí nghiệm độc lập để thử nghiệm. Cần ưu tiên lựa chọn các đơn vị thí nghiệm đã được cấp phép hoặc chỉ định. Kết quả được cung cấp bởi các phòng thí nghiệm này thường được đảm bảo về tính chính xác của phép thử.

phan tich mau dat o dau

Mẫu đất được lấy ngẫu nhiên.

3. Tiêu chí phân tích mẫu đất

Trọng tâm chủ yếu của việc phân tích đất là khắc phục sự mất cân bằng dinh dưỡng gây tác động xấu đến hiệu quả của chất dinh dưỡng hoặc phân bón.

Một số tiêu chí quan trọng cần được đánh giá thông qua phân tích đất là:

  • Thứ nhất: khả năng trao đổi cation (CEC) và tỉ lệ cân bằng Canxi:Magie

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của đất, khả năng giữ nước và chuyển chất dinh dưỡng cho cây trồng. CEC là thước đo khả năng giữ và chuyển chất dinh dưỡng của đất và giá trị CEC đất lý tưởng là khoảng 12.

Khi đất ở điều kiện cân bằng, tỷ lệ Canxi nên là 60-70% và Magiê là 10-20%. Dư thừa Canxi khiến đất tơi xốp hơn mức cần thiết và mất độ ẩm. Trong khi Magie vượt mức cho phép lại khiến đất trở nên nén chặt và cản trở hơi ẩm xâm nhập. Nếu tỷ lệ Ca:Mg được cân bằng, độ pH đất sẽ vào khoảng 6 đến 6,5. Lưu ý, bón vôi ở mức cao có thể làm nghẹt đất và đất cát cần được bón vôi đôlômit để bổ sung thêm Magie.

  • Thứ hai: hàm lượng Phốt pho

Phân tích đất là công cụ tốt nhất để kiểm tra và quản lý tổng hàm lượng Phốt pho (bao gồm dạng sẵn có và không sẵn có) trong đất. Đặc biệt, đối với những khu vực mà kết quả phân tích đất cho thấy hàm lượng Phốt pho ở mức cao, thay vì bón thêm Supe lân hoặc lân tự nhiên gây lãng phí, chúng ta có thể cải thiện cân bằng đất để giải phóng Phốt pho cho cây.

  • Thứ ba: hàm lượng các nguyên tố vi lượng

Đặc biệt là phân tích hàm lượng các vi lượng Boron, Kẽm, Đồng và Mangan. Nguyên tố vi lượng đóng vai trò quan trọng đối với sức sống và chức năng của thực vật. Sự thiếu hụt vi lượng ảnh hưởng cả chất lượng lẫn tổng sản lượng của cây trồng.

  • Thứ tư: hàm lượng chất hữu cơ

Chất hữu cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất, tạo điều kiện thuận lợi cho cây hấp thụ dinh dưỡng bằng cách chelate hóa vi lượng. Tỷ lệ chất hữu cơ lý tưởng nhất là từ 3-4% trở lên, tuy nhiên nếu kết quả phân tích mẫu đất cho thấy con số này dưới 2% thì có nghĩa là chúng ta cần bổ sung thêm hữu cơ cho đất.

Đất có thành phần sinh học tích cực cùng “đội quân” vi sinh đông đúc hoàn toàn có thể mang đến nhiều lợi ích cho cây, bao gồm cung cấp nước và dưỡng chất, mà không cần can thiệp nhiều bằng hóa chất. Để tận dụng tối đa tiềm năng sinh học đất, trồng cây phân xanh che phủ bề mặt và bón phân hợp lý là một số hoạt động nông nghiệp thiết thực nhất. Tuy nhiên, bất kỳ hệ thống canh tác nào cũng cần sự cân đối khi sử dụng phân bón và hóa chất đầu vào. Đầu vào hóa chất càng cao thì càng dễ bào mòn sinh học đất.

Ngoài 4 tiêu chí kể trên, tùy theo mục đích canh tác và hiện trạng đất, chúng ta có thể yêu cầu phòng thí nghiệm phân tích thêm độ ẩm, thành phần cơ giới, tổng hàm lượng Kali, chỉ số CEC,... của đất.

Tầm quan trọng của phân tích mẫu đất nông nghiệp đã tồn tại từ lâu. Kết cấu đất, độ ẩm của đất và thuộc tính hóa học là những yếu tố quyết định loại cây canh tác phù hợp và năng suất có thể tạo ra của cánh đồng.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: