Kiến Thức Nông Nghiệp

Đất nhiễm mặn là gì? Cách xác định độ mặn của đất

29/05/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Theo quan điểm nông nghiệp, đất nhiễm mặn là đất có tồn tại các loại muối hòa tan ở một nồng độ cao hơn bình thường, gây ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng. Hiện nay, để xác định độ mặn của đất, người ta dùng đại lượng EC là độ dẫn điện của đất, có đơn vị là dS/m. Hãy cùng Agmin tham khảo thông tin chi tiết ngay sau đây.

1. Đất nhiễm mặn là gì?

Đất nhiễm mặn là tình trạng đất tồn tại các loại muối hòa tan ở nồng độ cao hơn mức bình thường. Sau một thời gian, đất không được rửa trôi mà lượng muối ngày càng tích tụ nhiều hơn trong đất.

Suy thoái đất do nhiễm mặn là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến nền nông nghiệp toàn thế giới. Đất nhiễm mặn khiến cho cây trồng giảm sút khả năng sinh trưởng và phát triển, nghiêm trọng nhất là năng suất trung bình chỉ có thể đạt từ 20% đến 50% năng suất tiềm năng.

Đất nhiễm mặn

Đất nhiễm mặn.

2. Đặc điểm của đất nhiễm mặn

Đất nhiễm mặn mang những đặc trưng như sau:

- Có thành phần cơ giới nặng, tỉ lệ sét cao từ 50% đến 60%, thấm nước kém. Khi ướt thì dẻo và dính. Khi khô thì nứt nẻ, rất khó làm đất.

- Đất chứa nhiều muối tan dưới dạng NaCl, Na2SO4 nên áp suất thẩm thấu của dung dịch đất lớn, tác động đến quá trình hút nước và chất dinh dưỡng.

- Đất có phản ứng trung tính hoặc kiềm yếu.

- Đất nghèo mùn, nghèo đạm.

- Hoạt động của vi sinh vật bị hạn chế.

3. Nguyên nhân đất nhiễm mặn

Có 2 nguyên nhân khiến đất nhiễm mặn là: nhiễm mặn sơ cấp (tự nhiên) và nhiễm mặn thứ cấp.

  • Nhiễm mặn sơ cấp là kết quả tích tụ muối từ các quá trình tự nhiên trong một thời gian dài. Ví dụ như sự lắng đọng muối do mưa, sự thoái hóa của đá, sự gia tăng mao dẫn của nước ngầm và xâm nhập mặn từ biển.
  • Nhiễm mặn thứ cấp là do các hoạt động của con người gây ra. Ví dụ như sử dụng nước sông chứa nhiều muối để tưới trong thời gian dài, bón phân hoặc thoát nước cho đất không đầy đủ.

4. Xác định độ mặn của đất

Độ mặn của đất được xác định bằng cách đo độ dẫn điện (electrical conductivity - EC) của dung dịch đất.

Độ dẫn điện EC là mức độ truyền tải dòng điện của một chất. Các hạt tích điện nhỏ, được gọi là ion, giúp mang điện tích đi qua một chất. Các ion này có điện tích dương hoặc âm. Càng có nhiều ion thì độ dẫn điện càng cao; ít ion hơn thì độ dẫn điện sẽ thấp hơn. Đơn vị EC là deci-Siemens cho mỗi meter hay viết tắt là dS/m.

Chúng ta không được nhầm lẫn giữa các loại EC. Tùy thuộc vào môi trường hoặc độ ẩm của đất, EC được phân loại như sau:

  • ECw - độ dẫn điện của nước tưới.
  • ECe - độ dẫn điện của chiết xuất đất nhão bão hòa. Chiết xuất đất nhão bão hòa là chiết xuất được lấy ở một trạng thái ẩm cụ thể của đất. Tất cả các ngưỡng EC liên quan đến khả năng chịu mặn của cây trồng đều được đưa ra dưới dạng ECe. Đơn vị EC là deci-Siemens cho mỗi meter hay viết tắt là dS/m.

ECe ≈ ECw x 1.3 đến 1.5 (tùy theo kết cấu đất, tần suất tưới, v.v…).

Chiết xuất 1:2 hoặc 1:5 EC - nghĩa là độ dẫn điện được đo trong chiết xuất có tỷ lệ đất:nước = 1:2 hoặc 1:5.

Để chuyển đổi EC thu được bằng chiết xuất 1:2 hoặc 1:5 thành ECe hoặc để so sánh các giá trị thu được bằng phương pháp này, chúng ta phải sử dụng các phương trình hồi quy.

  • ECb hoặc ECa - độ dẫn điện khối của đất (hay còn gọi là độ dẫn điện biểu kiến), là độ dẫn điện của đất khối, tức là nước và không khí trong đất. Đây là một tham số khác với ECe.

Dưới đây là Bảng phân loại độ mặn của đất dựa trên giá trị EC trong ECe và chiết xuất 1:2 EC:

bảng phân loại đất nhiễm mặn

5. Ảnh hưởng của đất nhiễm mặn đối với cây trồng

Độ mặn của đất là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất cây trồng phổ biến nhất. Đất nhiễm mặn khiến cho năng suất cây trồng giảm, nguyên nhân là vì khả năng hấp thụ nước của cây bị hạn chế do mức độ thẩm thấu cao, độc tính của các ion cụ thể và sự cạnh tranh giữa các ion.

Mỗi loại cây trồng sẽ có một ngưỡng chịu mặn khác nhau (ngưỡng này còn được gọi là ngưỡng ECe).

ảnh hưởng của độ mặn đối với cây trồng

Đồ thị tuyến tính thể hiện mối quan hệ giữa ngưỡng chịu mặn và % năng suất của các loại cây.

Ảnh hưởng của độ mặn đối với năng suất cây trồng được ước tính bằng phương trình (Matt và Hoffman, 1977) như sau:

Y = 100 – B (ECe – A) ECe > A
Y = 100 ECe ≤ A

Trong đó:

  • Y: Năng suất tương đối (%)
  • A: Ngưỡng chịu mặn của cây trồng (ECe tính bằng đơn vị ds/m)
  • B: Năng suất giảm trên mỗi đơn vị tăng trong ECe (%)

Ruộng cà chua bị nhiễm mặn

Ruộng cà chua bị nhiễm mặn.

Trên đây là các thông tin liên quan đến nguyên nhân, đặc điểm và cách xác định độ mặn của đất nhiễm mặn. Để cải tạo đất nhiễm mặn, chúng ta nên nhanh chóng dẫn nước ngọt vào ruộng để cày, bừa, sục bùn nhằm làm cho các muối tan, sau đó nên tháo nước ra ngoài kênh, mương, sông hoặc thay đổi cây trồng phù hợp với độ nhiễm mặn của đất.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: