Kiến Thức Nông Nghiệp

Chẩn đoán và xử lý nấm Phytophthora gây bệnh thối rễ, nứt thân xì mủ

19/07/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Nấm Phytophthora là một trong những nấm bệnh nguy hiểm thường gây ra bệnh thối rễ, bệnh nứt thân xì mủ, bệnh héo muộn,… Để khắc phục những bệnh hại này bà con cần nắm rõ những kiến thức về chẩn đoán và xử lý nấm Phytophthora bằng các biện pháp sinh học lẫn hóa học kịp thời, trước khi nấm lây lan trên diện rộng và kinh tế bị thiệt hại nghiêm trọng. Thông tin chi tiết sẽ được Agmin chia sẻ ngay sau đây.

1. Nấm Phytophthora là gì?

Nấm Phytophthora là tác nhân gây bệnh thực vật ký sinh chuyên tính trên toàn thế giới. Tên gọi “Phytophthora” được xuất phát từ tiếng Hy Lạp, “phyto” là thực vật và “phthora” là kẻ hủy diệt. Phytophthora có nghĩa là “kẻ hủy diệt thực vật”. Đến thời điểm hiện tại, có trên 120 loài Phytophthora được mô tả và tất cả đều là mầm bệnh gây hại cho thực vật.

  • Giới: Chromista
  • Ngành: Oomycota
  • Lớp: Oomycetes
  • Bộ: Peronosporales
  • Họ: Pythiaceae
  • Giống (chi): Phytophthora

Phytophthora xâm nhiễm vào các mô chủ khác nhau, chẳng hạn như rễ, củ, thân cây thân thảo, thân gỗ, tán lá và quả. Phytophthora phát triển các giai đoạn tế bào khác biệt trong chu kỳ sống để sinh tồn.

nấm phytophthora palmivora

Hình dạng nấm Phytophthora palmivora.

2. Nấm Phytophthora gây bệnh gì?

Nấm Phytophthora gây hại chủ yếu trong mùa mưa, nhất là vào cuối mùa mưa khi có khí hậu ấm và ẩm. Nấm Phytophthora có thể tấn công riêng lẻ nhưng đa phần chúng kết hợp với các nấm bệnh khác như Fusarium, Pythium và Rhizoctonia. Điển hình là bệnh vàng lá thối rễ (cam, quýt, bưởi, sầu riêng,…), nứt thân xì mủ (sầu riêng), héo muộn (cà chua, khoai tây), chết nhanh (tiêu), sọc đen (cao su).

Cụ thể hơn, nấm Phytophthora là tác nhân gây ra các bệnh hại nguy hiểm như:

2.1. Bệnh vàng lá thối rễ

Nấm Phytophthora tấn công phần rễ non làm vỏ rễ hư, vỏ thối rữa có mùi đặc trưng, vỏ rễ dễ tuột ra khỏi lõi rễ. Tuyến trùng hại rễ cũng tạo điều kiện cho nấm dễ xâm nhập vào trong rễ cây.

Độc tố do nấm tiết ra khiến rễ thối hoặc tắc nghẽn mạch dẫn làm hư rễ. Khi rễ bị hư hỏng, cây không hấp thụ được nước và dinh dưỡng khiến lá vàng, rụng và chết dần. Thường thì lá già rụng trước rồi đến các lá non phía trên.

phytophthora gây bệnh thối rễ

Bệnh thối rễ do nấm Phytophthora.

2.2. Bệnh nứt thân xì mủ

Tác nhân gây bệnh là nấm Phytophthora palmivora. Triệu chứng bệnh thường xuất hiện trên thân, rễ chính và cành chính, nhất là những bộ phận gần và tiếp xúc với mặt đất.

Ban đầu, bệnh xuất hiện dưới dạng những đốm màu nâu đen rỉ nhựa ướt, thời gian sau bệnh nặng hơn, vỏ cây bị nứt nẻ và chảy nhiều nhựa màu nâu đỏ. Phần vỏ và gỗ bên dưới chỗ bị bệnh bị chuyển màu hồng nhạt, nâu tím, bó mạch bị thâm đen. Bệnh nghiêm trọng cây sẽ rụng lá, khô cành và chết dần.

Bệnh nứt thân xì mủ do nấm Phytophthora.

Bệnh nứt thân xì mủ do nấm Phytophthora.

2.3. Bệnh héo muộn

Bệnh do nấm Phytophthora infestans gây ra. Bệnh hại cả lá, thân và quả. Triệu chứng đầu tiên trên lá là những đốm nhỏ màu xanh hơi ướt ở mép lá, sau đó những đốm này lan dần vào phía trong phiến lá, tạo thành những đốm màu nâu to hơn. Ở mặt dưới lá, chỗ vết bệnh xuất hiện lớp mốc trắng như sương. Lá trở nên khô héo khi bệnh nặng hơn.

Trên thân, vết bệnh có hình dạng không nhất định, màu nâu sẫm, hơi lõm và bao quanh thân cây.

Trên quả, vết bệnh xuất hiện ở phía trên của quả từ khi còn xanh, tạo thành những đốm màu xanh xám, hơi ướt, sau đó, vết bệnh to dần, màu nâu sẫm và úng nước. Hậu quả là ruột quả bị thối nhũn.

bệnh héo muộn do Phytophthora

Thối đít quả do bệnh héo muộn Phytophthora.

3. Phương pháp chẩn đoán cây nhiễm nấm Phytophthora

Chẩn đoán đề cập đến việc xác định sự có mặt của Phytophthora trên cây trồng dựa vào các yếu tố như: lịch sử canh tác; đặc điểm khu vực trồng trọt; tình trạng thoát nước; triệu chứng nhiễm bệnh; đặc tính sinh học của nấm bệnh; kết quả sử dụng thuốc diệt nấm; và kết quả xét nghiệm mẫu thực vật.

>>> Xem thêm: 5 Phương pháp chẩn đoán cây nhiễm nấm Phytophthora

4. Biện pháp kiểm soát, quản lý nấm Phytophthora

Cách quản lý bệnh do Phytophthora hiệu quả nhất là thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự hình thành và nảy nở của mầm bệnh, bao gồm: điều tiết lượng nước tưới; chọn giống sạch bệnh; áp dụng luân canh; ủ vỏ cây làm phân bón; vệ sinh khu vực canh tác; sử dụng giống cây kháng bệnh; phương pháp sinh học; và xử lý bằng hóa chất.

>>> Xem thêm: 8 Biện pháp quản lý bệnh do Phytophthora

5. Nhóm chất xử lý nấm Phytophthora khi nấm đã xâm nhập mô tế bào

Xử lý Phytophthora bằng hóa chất là một trong những biện pháp kiểm soát bệnh cấp thời và hiệu quả, nhất là trong trường hợp nấm đã xâm nhập vào mô cây.

Có 4 nhóm hóa chất được ứng dụng phổ biến trong sản xuất thuốc điều trị nấm Phytophthora là: Phenylamides, Phosphonate, Axit Cinnamic và Quinone (QoI). Bằng việc tìm hiểu đặc tính nổi bật của từng nhóm chất, chúng ta sẽ có thể lựa chọn loại thuốc xử lý Phytophthora phù hợp với nhu cầu canh tác.

>>> Xem thêm: Đặc tính các nhóm chất xử lý nấm Phytophthora

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: