Kinh Nghiệm

Cách diệt rệp an toàn và đơn giản, ai cũng có thể làm được

18/12/2022 Agmin.vn 0 Nhận xét

Mặc dù chỉ là những sinh vật bé nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được nhưng sức tàn phá của rệp đối với cây trồng lại rất lớn. Cây bị rệp tấn công sẽ mất dần chất dinh dưỡng, lá rụng, quả thối, khô héo và chết. Chẳng những vậy, nước bọt do rệp tiết ra còn tạo thành một loại “mật ngọt”, tạo điều kiện cho nấm bệnh sinh sôi nảy nở. Vậy làm thế nào để phòng ngừa và diệt trừ rệp hại cây? Chúng ta hãy cùng tham khảo nội dung trong bài viết sau đây.

Rệp non và rệp trưởng thành có hình dạng giống nhau.

1. Cách nhận biết rệp hại trên cây trồng

Giống như các loài bọ hại cây trồng khác, rệp có thể đến từ bất cứ đâu, từ những khu vườn lân cận hoặc nở từ trong đất.

Rệp là một loài côn trùng thân mềm, kiếm ăn theo nhóm bằng cách hút chất dinh dưỡng từ thực vật. Với số lượng lớn, chúng có thể khiến cây suy yếu, gây hại cho hoa và quả. Tốc độ sinh sản của rệp rất nhanh, do đó nếu không phát hiện và phòng trừ chúng ngay từ đầu, thiệt hại kinh tế sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta không cần quá lo lắng bởi rệp di chuyển khá chậm, vì vậy, hoàn toàn có thể kiểm soát và tiêu diệt được chúng.

Đặc điểm nhận dạng rệp:

  • Mỗi cá thể rệp có kích thước rất nhỏ (con trưởng thành dài chưa đến 6mm), thân hình quả lê, râu dài và gần như không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường.
  • Ngoài màu xanh, rệp thường có màu trắng, đen, nâu, xám, vàng hoặc thậm chí là hồng! Cơ thể của một số loài rệp còn được bảo vệ bởi một lớp sáp hoặc lớp bông mỏng.
  • Nhộng (rệp non) trông giống như con trưởng thành, trên lưng có 2 ống tuyến sáp hướng ra sau.
  • Bản chất thông thường của rệp trưởng thành là không có cánh, tuy nhiên, khi số lượng cá thể tăng lên, quần thể trở nên đông đúc, nguồn thức ăn cạn kiệt thì hầu hết chúng sẽ phát triển thêm cánh và bay đến những cánh đồng, khu vườn khác để tiếp tục sinh sản.

Mặc dù rệp nói chung có thể ký sinh trên nhiều loài thực vật khác nhau, nhưng vẫn có một số chọn sống bám trên một loài cây nhất định, như là rệp khoai tây, rệp đậu, rệp bắp cải, rệp khoai tây, rệp dưa, rệp táo, rệp đào xanh, v.v…

>>> Xem thêm: 10+ Cách diệt ốc sên gây hại cây trồng.

2. Tác hại của rệp đối với cây trồng

Rệp hút chất dinh dưỡng và khiến cây suy yếu dần.

Thức ăn của nhộng và rệp trưởng thành là nhựa cây. Chúng chích, hút dinh dưỡng của cây từ lá, thân, chồi, hoa, quả và/hoặc rễ. Hầu hết các loài rệp đặc biệt thích ăn những cây non, chồi non xanh mơn mởn. Trong khi một số loài, chẳng hạn như rệp đào xanh ăn nhiều loại thực vật khác nhau thì một số loài khác, chẳng hạn như rệp táo, chỉ ký sinh trên một hoặc một vài loại cây mà thôi.

Đặc tính ký sinh của rệp trên cây:

  • Rệp ẩn náu ở mặt dưới của những chiếc lá biến dạng, quăn, còi cọc hoặc héo vàng.
  • Nếu đã hút nhựa cây, rệp sẽ để lại một lớp chất dính, gọi là “mật ngọt” trên lá hoặc thân cây. “Mật ngọt” này chính là chất thải của rệp và nó còn là thức ăn của một vài loài côn trùng khác, chẳng hạn như kiến. Khi rệp ăn cây, mật của chúng có thể rơi xuống đất, dính vào bàn ghế, xe cộ để ngoài trời,... Bên cạnh đó, “mật ngọt” của rệp còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển, khiến cành và lá thâm đen.
  • Hoa hoặc quả có thể bị méo mó hoặc biến dạng do bị rệp ăn.
  • Một số loài rệp gây ra các vết sưng trên rễ hoặc lá.
  • Rệp còn góp phần làm lây lan virus bệnh hại giữa các khu vườn và thu hút các loài côn trùng khác đến tấn công cây.

3. Diệt trừ rệp hại cây như thế nào?

Xịt nước thẳng vào rệp để "đánh bay" chúng khỏi cây trồng.

  • Sử dụng vòi nước mạnh để phun thẳng vào rệp, “đánh bay” chúng ra khỏi cây.
  • Phun, xịt dầu neem, dầu khoáng làm vườn, xà phòng diệt côn trùng. Lưu ý: đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
  • Pha loãng xà phòng rửa chén với nước rồi thoa hoặc phun lên lá cây để diệt rệp. Cứ 2-3 ngày thì lặp lại một lần, làm đều đặn trong 2 tuần.
  • Diệt rệp bằng cách sử dụng đất tảo cát hữu cơ (DE) để khiến chúng mất nước và chết. Mặc dù đất cát tảo thân thiện với môi trường nhưng chúng ta cần tránh sử dụng khi cây đang ra hoa và thụ phấn, để không làm hại ong và bướm.

4. Một số mẹo phòng ngừa rệp hại cây

Tỏi hoặc hẹ giúp đuổi rệp khỏi rau diếp, đậu Hà Lan và hoa hồng.

  • Đối với cây ăn quả hoặc cây che bóng mát, phun dầu khoáng làm vườn để tiêu diệt trứng rệp vào mùa đông.
  • Rệp là thức ăn của bọ rùa, bọ cánh cứng và ong bắp cày. Do đó, chúng ta có thể thu hút các loài côn trùng có lợi này đến vườn cách bằng cách trồng thêm nhiều hoa và bổ sung thêm nguồn nước.
  • Trồng thêm một số loài cây khác để xua đuổi hoặc bẫy rệp như là: Đuổi rệp bằng mùi hương của cỏ bạc hà mèo (catnip); Trồng cây mù tạt hoặc hoa sen cạn (nasturtium) để thu hút rệp. Sau khi rệp nhảy sang những cây này thì chúng ta đem đi tiêu hủy; Tỏi và hẹ xua đuổi rệp khi trồng gần rau diếp, đậu Hà Lan và hoa hồng.

5. Diệt rệp bằng cồn có khả thi không?

Cồn là một trong những thành phần được sử dụng để diệt trừ rệp khá phổ biến và hiệu quả. Hỗn hợp cồn diệt rệp được pha theo 1 trong 2 công thức như sau:

  • Pha cồn 70 độ với nước theo tỉ lệ 1 phần cồn + 1 phần nước; hoặc pha cồn 95 độ với nước theo tỉ lệ 1 phần cồn + 1,5 phần nước..
  • Cho thêm cồn vào hỗn hợp nước xà phòng để tăng hiệu quả. Ví dụ, trong một bình xịt, kết hợp 5 cốc nước + 2 cốc cồn isopropyl + 1 thìa xà phòng rửa chén.

Lưu ý:

  • KHÔNG phun hỗn hợp cồn lên toàn bộ cây mà chỉ phun hoặc bôi lên những nơi rệp đang trú ẩn. Hỗn hợp chỉ có tác dụng khi tiếp xúc trực tiếp với rệp, cho nên cần phun lặp lại.
  • CẨN TRỌNG: Cây trồng có thể nhạy cảm với cồn hoặc xà phòng. Do đó, trước khi phun xịt bất cứ hỗn hợp nào lên cây, chúng ta cũng cần phun thử lên một vùng nhỏ vào buổi sáng sớm hoặc tối (thời điểm nắng chưa gay gắt) để kiểm tra phản ứng của cây. Theo dõi cây trong vài ngày, nếu không thấy có biểu hiện bất thường thì phun lên những vùng khác.

Biên tập bởi Agmin.vn

Tags: diệt rệp

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: