Kiến Thức Nông Nghiệp

8 Biện pháp quản lý bệnh do Phytophthora

16/07/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Cách quản lý bệnh do Phytophthora hiệu quả nhất là thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự hình thành và sinh sôi của mầm bệnh, bao gồm điều tiết nước tưới, chọn giống sạch, luân canh, ủ vỏ cây làm phân bón, vệ sinh khu vực canh tác, sử dụng giống cây kháng bệnh, phương pháp sinh học và xử lý bằng hóa chất. Sau đây, mời bà con cùng Agmin tìm hiểu rõ hơn về từng biện pháp.

1. Điều tiết nước tưới

Điều tiết nước tưới là một yếu tố quan trọng trong việc quản lý bệnh do Phytophthora, bao gồm việc kiểm soát lượng nước, tần suất và thời gian tưới cũng như thoát nước dư thừa cho đồng ruộng để giảm thiểu nguy cơ hình thành mầm bệnh.

Để phòng ngừa tình trạng đọng nước, chúng ta cần xem xét kéo dài khoảng cách giữa các lần tưới, điều chỉnh thời gian tưới ngắn hơn, sử dụng vòi phun mưa hoặc ống tưới nhỏ giọt có kích thước phù hợp và đồng thời, tránh cho nước tưới tiếp xúc liên tục với thân cây. Bên cạnh đó, đối với vườn ươm, cần sắp xếp các loài cây trồng theo nhu cầu sử dụng nước, tránh trồng cây có nhu cầu nước ít chung với cây có nhu cầu nước nhiều.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát được lượng nước tưới. Trong những tình huống này, một số kỹ thuật đơn giản để dẫn nước thừa ra khỏi vùng rễ là nâng luống trồng lên cao, trồng trong đất dễ thấm, sử dụng hỗn hợp giá thể có độ xốp cao. Ngoài ra, khi đất bị nén chặt khả năng thoát nước sẽ kém, vì vậy, nên tránh giẫm lên đất thường xuyên.

phuong phap quan ly phytophthora

Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt phù hợp để giảm thiểu nước đọng.

2. Chọn giống cây sạch bệnh

Mua và trồng giống sạch bệnh là điều rất quan trọng đối với mọi mô hình canh tác. Không chỉ vậy, đất trồng hoặc giá thể cũng cần được kiểm tra vệ sinh hoặc vô trùng kỹ lưỡng.

3. Áp dụng hình thức luân canh

Để tồn tại được trong đất, Phytophthora cần có cây ký chủ và không phải loài cây nào chúng cũng có thể ký sinh được. Lợi dụng nhược điểm này, chúng ta có thể áp dụng biện pháp luân canh, đặc biệt là đối với cây hằng năm, để gây bất lợi đối với sự phát tán của nấm bệnh.

4. Tiêu diệt nấm Phytophthora bằng nhiệt độ cao

Nhiệt độ cao được ứng dụng để kiểm soát Phytophthora theo nhiều cách, điển hình như:

  • Nhiệt hơi nước tiêu diệt Phytophthora trong đất, giá thể bị ô nhiễm hoặc trên bề mặt của các loại nông cụ (chậu, cuốc, kéo tỉa,...). Nếu tái sử dụng chậu cũ, chúng ta cần rửa sạch chậu rồi ngâm nó trong nước nóng (80°C) tối thiểu 30 phút hoặc xông hơi nước (60°C) trong 30 phút.
  • Phơi ải đất để tiêu diệt mầm bệnh bằng ánh sáng mặt trời. Cách này không chỉ có hiệu quả đối với Phytophthora mà còn đối với nhiều loại nấm bệnh khác. (Thường áp dụng cho canh tác giá thể)

bien phap quan ly phytophthora

Tận dụng ánh nắng mặt trời để tiêu diệt mầm bệnh trong đất.

5. Chế độ bón phân hợp lý

Một chế độ bón phân hợp lý cũng sẽ góp phần phòng ngừa Phytophthora spp. Biện pháp này bao gồm sử dụng các vật liệu hữu cơ giải phóng Amoniac và Axit Nitơ, sử dụng phân bón và chất cải tạo gốc Lưu huỳnh để làm giảm độ pH dưới mức 4 đối với cây chịu axit, giảm độ pH dưới mức 5 đối với đất có hàm lượng nhôm cao, bón các chất dinh dưỡng qua lá để bù đắp cho sự suy yếu chức năng của rễ thối, đồng thời tránh bón phân đạm quá mức vì điều này khiến cho lá tích nước nhiều hơn và hậu quả là bệnh tiến triển nặng hơn.

Đối với cây trồng trong chậu, ủ phân bằng các loại vỏ cây giúp làm tăng độ tơi xốp của giá thể, giải phóng các chất ức chế khi nó phân hủy và tạo ra Trichoderma spp. - một loại nấm đối kháng, có khả năng tiêu diệt, cạnh tranh môi trường sống và dinh dưỡng với nấm Phytophthora.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý không để rễ và lá tiếp xúc với mặt đất ô nhiễm hoặc nước đọng bằng cách trồng cây trên luống cao và sử dụng chậu có kích thước vừa vặn với cây, để tránh trường hợp cây bị gió thổi ngã.

6. Chọn giống cây trồng kháng bệnh do Phytophthora

Giống cây kháng bệnh tức là những giống cây mà Phytophthora không thể ký sinh. Ví dụ, một số giống lai của hoa đỗ quyên có khả năng chống lại bệnh thối rễ Phytophthora; hoặc nhiều giống khoai tây miễn nhiễm với bệnh héo muộn Bên cạnh đó, người ta có thể ghép các loài cây nhạy cảm vào gốc ghép kháng bệnh để tạo nên giống kháng thối rễ Phytophthora.

Tuy nhiên, mỗi loài Phytophthora lại phân chia ra thành nhiều chủng và mỗi chủng có khả năng xâm nhiễm giống kháng khác nhau. Ví dụ, dâu tây có các giống kháng là: “Climax”, “Del Norte” và “Surecrop”. Chủng 1 của loài Phytophthora fragariae var. Fragariae có khả năng lây nhiễm cho “Climax” và “Del Norte” nhưng không xâm nhập được “Surecrop”. Tuy nhiên, chủng 2 và 5 lại lây nhiễm được cho “Surecrop”. Nguyên nhân là do khi xác định được giống kháng bệnh, Phytophthora thực hiện quá trình tái tổ hợp hữu tính và sinh ra thế hệ sau có khả năng lây nhiễm cho giống kháng mới. Mặc dù vậy, các giống cây kháng bệnh rất hữu ích và được sử dụng để tạo ra một loài cây trồng ưu tú hơn.

Bệnh héo muộn do Phytophthora ở khoai tây.

7. Áp dụng biện pháp sinh học

Biện pháp sinh học đề cập đến việc nuôi cấy các chủng vi sinh vật có khả năng đối kháng, cạnh tranh môi trường sống và ức chế sự phát triển của Phytophthora như là Bacillus, Gliocladium, Pseudomonas, Streptomyces hoặc Trichoderma.

8. Xử lý Phytophthora bằng hóa chất

Hóa chất đóng vai trò hỗ trợ các biện pháp kiểm soát Phytophthora kể trên. Hóa chất bao gồm các sản phẩm diệt trừ Phytophthora khỏi các thiết bị, dụng cụ nông nghiệp, nguồn nước và đất trồng và các chế phẩm bảo vệ các mô thực vật khỏi bị nhiễm trùng hoặc để ức chế sự phát triển của nấm bệnh.

8.1. Hóa chất khử trùng nông cụ

Một số loại chất khử trùng được sử dụng để làm sạch bề mặt khay trồng rau, chậu cây, dụng cụ và thiết bị trồng trọt và thu hoạch. Chúng không chỉ tiêu diệt Phytophthora mà còn nhiều sinh vật gây bệnh khác. Tuy nhiên, thời gian lưu tồn của những sản phẩm này rất ngắn và không đem lại hiệu quả cao như thuốc diệt nấm hoặc diệt khuẩn.

Thành phần của những sản phẩm khử trùng thường chứa gốc Peroxit, Amoni bậc bốn và/hoặc Natri Hypoclorit (thuốc tẩy).

Lưu ý: Một số dung dịch thuốc tẩy pha loãng có tính ăn mòn kim loại cao. Cần làm sạch đất hoặc vụn thực vật trên các bề mặt nông cụ trước khi phun thuốc khử trùng để đạt hiệu quả tốt nhất.

8.2. Hóa chất khử trùng nguồn nước tưới 

Làm sạch, khử khuẩn hệ thống tưới, vườn thủy canh bằng dung dịch Đồng hữu cơ vừa có tác dụng tiêu diệt Phytophthora vừa loại trừ hầu hết các loại tảo hại (trừ tảo khuê), duy trì màu nước trong sạch, ổn định pH.

8.3. Nhóm thuốc trừ nấm tiếp xúc có tác dụng ức chế sự nảy nở của nấm trước khi nấm thâm nhập vào mô cây

Phun thuốc trừ nấm tiếp xúc là một biện pháp xử lý rất cần thiết trong trường hợp kết quả chẩn đoán cho thấy cây bị nhiễm Phytophthora. Hiện nay, hầu hết các loại thuốc diệt nấm tiếp xúc được sản xuất để phun lên lá. Cơ chế hoạt động chung của các loại thuốc này là ức chế sự nảy nở và quá trình xâm nhập của các túi bào tử, bào tử động hoặc bào tử ngủ (chlamydospore) vào mô thực vật. 

Vì các thuốc diệt nấm không có khả năng ngấm vào toàn thể thực vật nên chúng không có tác dụng loại bỏ mầm bệnh đã xâm nhập vào mô thực vật. Chúng chỉ phát huy công dụng tốt nhất trước khi các bào tử phân tán vào rễ hoặc lá khỏe mạnh và trước khi chất cấy (inoculum) kịp lây nhiễm cho cây.

Đáng chú ý, bởi vì thuốc diệt nấm tiếp xúc được phun lên lá nên việc theo dõi nhiệt độ, mưa và độ ẩm là cần thiết trong quá trình xử lý.

Thành phần phổ biến trong các thuốc diệt nấm tiếp xúc thường là:

  • Các hợp chất gốc Đồng, chẳng hạn như hỗn hợp Bordeaux; Đồng Hydroxit, Đồng Oxit, Đồng Sunfat, Đồng Oxyclorua và Đồng Amoni Cacbonat. Trong đó, tác nhân tích cực chống lại Phytophthora là ion Cu++.
  • Nhóm Ethylene bis-dithiocarbamate như là Maneb, Mancozeb và Zineb.
  • Hợp chất hữu cơ Chlorothalonil thuộc nhóm thuốc trừ nấm tiếp xúc.
  • Các hợp chất Thiếc hữu cơ, chẳng hạn như TPTH, mặc dù đem lại hiệu quả nhưng tương đối độc hại đối với thực vật.
  • Hợp chất Etridiazole, tuy nhiên vì nhạy cảm với bức xạ tia cực tím nên nó chủ yếu được sử dụng cho tưới đất.

8.4. Nhóm thuốc trừ nấm khi bào tử nấm đã thâm nhập vào mô cây

Có 4 nhóm hóa chất được sử dụng để điều chế sản phẩm xử lý bệnh Phytophthora là: Phenylamides, Phosphonate, Axit Cinnamic và chất ức chế bên ngoài Quinone (QoI).

Đây là các nhóm chất có khả năng thẩm thấu và di chuyển bên trong các mô thực vật. Một số khác biệt nhỏ trong cách thẩm thấu và di chuyển bên trong cây của mỗi nhóm chất có ảnh hưởng đến cách thức và thời điểm chúng được sử dụng để kiểm soát bệnh Phytophthora. Một số hóa chất chỉ di chuyển 1 chiều từ rễ lên chồi (theo con đường apoplast hoặc theo dòng mạch gỗ), trong khi một số khác thì có thể di chuyển 2 chiều cả lên và xuống trong hệ mạch (theo con đường symplast hoặc theo cả 2 dòng mạch rây và mạch gỗ).

Cả 4 nhóm hóa chất này đều được ứng dụng cho xử lý hạt giống (ngừa bệnh chết cây con), ngâm nước đất trồng (trị bệnh thối rễ và ngọn) hoặc phun qua lá, không chỉ để xử lý Phytophthora mà còn nhiều loại nấm hại khác.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: