Kiến Thức Nông Nghiệp

Bệnh sương mai và những điều nhà nông cần lưu ý

27/12/2022 Agmin.vn 0 Nhận xét

Những đốm nhỏ màu vàng trên mặt lá, lá khô héo không thể sinh trưởng và phát triển bình thường, trong hầu hết các trường hợp, đó chính là dấu hiệu cho thấy cây đã mắc bệnh sương mai. Vậy bệnh sương mai là gì? Có nguy hiểm không? Kiểm soát và phòng ngừa bệnh sương mai như thế nào?

bệnh sương mai

Bệnh sương mai xuất hiện dưới dạng các đốm màu vàng loang lổ trên mặt lá.

1. Bệnh sương mai là bệnh gì?

Bệnh sương mai là bệnh do một nhóm nấm bệnh có tên là Oomycetes (nấm mốc nước) gây ra. Đặc tính của nhóm nấm này là phải ký sinh trên vật chủ. Theo đó, nhiều loại nấm bệnh trong số chúng chỉ tấn công một họ cây trồng nhất định, chẳng hạn như nấm sương mai trên bầu bí.

Bệnh sương mai làm lá bị vàng, nổi mốc và chết đi, tuy nhiên lại không ảnh hưởng đến thân và cuống lá. Nhưng cho dù cây không chết vì bệnh sương mai thì tình trạng mất mùa, suy giảm năng suất, thiệt hại kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Điển hình là đối với rau ăn lá hoặc thảo mộc, nếu sương mai tấn công lá thì coi như mất trắng toàn bộ. Mặt khác, đối với cây bầu bí, lá nhiễm bệnh sẽ khiến hoạt động quang hợp trở nên yếu kém và héo quả do ít lá.

Bệnh sương mai thường gây hại trên cây húng quế và hầu hết cây họ bầu bí như dưa hấu, bí xanh, bí đao, dưa chuột và bí ngô. Ngoài ra, nho, đậu nành, rau chân vịt (rau bina) và hoa hướng dương cũng là những mục tiêu tấn công của căn bệnh phiền phức này.

2. Bệnh sương mai lây lan như thế nào?

Giống như bệnh thán thư và nhiều bệnh hại khác do nấm gây ra, sương mai có khả năng lây lan cao từ cây bệnh sang cây khỏe mạnh. Thời tiết nóng ẩm chính là điều kiện lý tưởng nhất cho sự sinh sản bào tử của nấm bệnh sương mai. Nhiệt độ và ẩm độ cao hơn mức cho phép sẽ kích thích bào tử phát tán mạnh mẽ trong không khí. Nương theo hướng gió thổi, những bào tử này có thể “phiêu dạt” đến cả vài cây số!

Không chỉ gió mà nước, đất, nông cụ tiếp xúc với cây bệnh đều có thể trở thành “phương tiện” cho bào tử nấm sương mai bám vào và lây sang khu vực khác.

>>> Xem thêm: Cách phòng trừ bệnh thán thư hại cây trồng.

3. Cách nhận biết bệnh sương mai

Tùy thuộc vào khí hậu của mỗi vùng mà thời gian bệnh sương mai hoành hành sẽ có đôi chút khác biệt, tuy nhiên, thường thì bệnh này xuất hiện sớm nhất là vào cuối mùa xuân hoặc cuối tháng 8.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sương mai:

  • Ban đầu, bệnh sương mai xuất hiện dưới dạng các đốm, vết màu vàng loang lổ giống như được khảm vào mặt trên của lá.
  • Sau đó, các đốm, vết màu vàng này sẽ lan rộng ra và có hình khối bởi vì bị giới hạn bởi các gân lá – một mặt màu vàng, mặt kia màu xanh lục.
  • Lá bị nhiễm bệnh sẽ chuyển sang màu nâu.
  • Nếu quan sát lá ở khoảng cách gần, chúng ta sẽ thấy bên trong các vết, đốm bệnh có các chấm mốc màu nâu tím.
  • Còn mặt dưới của lá xuất hiện các vết màu xám mờ, đó là các bào tử của nấm bệnh.
  • Khi cây mắc sương mai, lá bị ảnh hưởng, nhưng thân cây và cuống lá thì không.

4. Phân biệt bệnh sương mai và bệnh phấn trắng

Đôi khi hai căn bệnh này thường bị nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, rất dễ để chúng ta phân biệt được chúng bằng cách quan sát. Nếu như bệnh sương mai tạo thành các đốm màu vàng trên lá cùng các dấu hiệu nhận biết vừa được liệt kê ở trên thì bệnh phấn trắng lại khiến bề mặt lá như được phủ 1 lớp bụi hoặc bột trắng.

Khi cây bị nhiễm phấn trắng ở mức độ nặng, lá cây sẽ trông như thể màu trắng hoàn toàn, mặc dù vẫn có đốm ố vàng nhưng số lượng lại không đáng kể. Và thật không may, không ít các trường hợp cây mắc cùng lúc bệnh sương mai và bệnh phấn trắng.

phân biệt sương mai và phấn trắng

Phân biệt bệnh sương mai và bệnh phấn trắng.

5. Cách phòng ngừa bệnh sương mai

Bởi vì bào tử nấm lan truyền nhờ gió nên gần như không thể hoàn toàn ngăn chặn bệnh sương mai. Ngay cả khi các biện pháp vệ sinh vườn cây, nhà kính đã được áp dụng thì bệnh sương mai vẫn có cơ hội xuất hiện trên cây trồng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta giơ tay đầu hàng, vẫn có một số cách để hạn chế tỷ lệ cây nhiễm bệnh sương mai như sau:

  • Kiểm tra và lựa chọn kỹ lưỡng cây giống hoặc gốc ghép, nhất là đối với các loài cây như húng quế, bí, dưa chuột, dưa hấu và rau chân vịt (rau bina).
  • Nếu nghi ngờ cây trồng có dấu hiệu mắc bệnh sương mai, cần đảm bảo thực hiện khử trùng, khử khuẩn cho dụng cụ nông nghiệp và rửa tay sạch sẽ trước khi chuyển sang chăm bẫm những cây khác, nhầm cản trở nấm bệnh lây lan dễ dàng.
  • Chọn giống có khả năng kháng hoặc chống chịu bệnh sương mai. Rau ăn lá, bầu bí và một số loại cây trồng khác hiện nay đều có giống kháng để chúng ta lựa chọn. Tham gia thảo luận hoặc học hỏi kinh nghiệm chọn giống kháng từ các thành viên trong hội nông nghiệp hoặc kỹ sư nông học tại địa phương.
  • Chọn giống thu hoạch sớm để kết thúc mùa vụ trước thời điểm bệnh sương mai bộc phát tại địa phương.

6. Phương pháp kiểm soát và điều trị bệnh sương mai

Bên cạnh việc chọn giống kháng bệnh và khử trùng nông cụ, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để xử lý và giảm thiểu thất thoát kinh tế nếu chẳng may cây bị nhiễm bệnh sương mai.

6.1. Trồng các giống cây leo giàn

Dưa chuột, dưa lưới hoặc một số loài cây thân leo khác thường phát triển trên giàn nên ưu điểm ở đây là không khí lưu thông tốt, thông thoáng và lá nhanh khô sau khi tưới. Nấm bệnh sương mai chủ yếu xâm nhập khi lá ướt vì vậy lá càng nằm trên cao càng nhanh khô sau khi tưới hoặc trời mưa.

6.2. Sử dụng dây tưới hoặc ống tưới nhỏ giọt

Mục đích của việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt là để tập trung lượng nước tưới vào gốc thay vì văng nước lên lá, làm lá bị đọng nước. Một điểm cộng nữa là tưới nhỏ giọt sẽ giúp tiết kiệm nước hơn.

Nếu sử dụng hệ thống tưới trên cao, thì cần hẹn giờ tưới vào buổi sáng để lá có thời gian khô thoáng.

6.3. Che tấm bạt phủ gốc cây để giảm tưới nước

Bạt thấm hút nước tốt khi tưới, đặc biệt là khi kết hợp cùng hệ thống tưới tự động, bạt thấm hút và giữ ẩm cho cây, ngăn đất bắn lên lá, từ đó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí tưới tiêu vào mùa nắng.

6.4. Phun thuốc diệt nấm trước khi bệnh sương mai lây lan trên diện rộng

Sử dụng thuốc diệt nấm cũng là một cách kiểm soát và điều trị bệnh sương mai nhanh chóng và hiệu quả. HortiPhos 600 là thuốc diệt nấm lưu dẫn trung tính (pH 7.0) do Agmin sản xuất, có công dụng tiêu diệt trực tiếp nấm bệnh sương mai và các bệnh khác do nấm Oomycetes gây ra. Sản phẩm chứa nồng độ Phosphite cao, không cần pha thêm các loại thuốc khác, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể.

thuốc trị sương mai

Thuốc diệt nấm HortiPhos 600 tấn công nấm bệnh và thúc đẩy cây trồng tự miễn dịch.

6.5. Tỉa bỏ những lá thấp nhất

Dù sao thì lá nằm ở vị trí thấp cũng không đem lại lợi ích đối với cây trồng, nên chúng ta cần tỉa bớt chúng đi để tăng cường lưu thông không khí xung quanh cây và giảm bớt điều kiện thuận lợi cho bệnh sương mai phát triển. Bên cạnh đó, loại bỏ các lá phía dưới cũng có thể làm giảm khả năng xâm nhiễm của nấm bệnh khi bào tử nấm bắn tung tóe từ đất.

6.6. Nhổ bỏ cây bị nhiễm bệnh

Trường hợp phát hiện cây đã nhiễm bệnh nặng, cách tốt nhất là nên loại bỏ chúng đi. Thiêu hủy hoặc chôn xác cây bệnh để hạn chế nấm bệnh lây sang các cây khác trong vườn.

Còn nếu chúng ta thấy chỉ có một vài chiếc lá nổi đốm vàng và nghi ngờ do bệnh sương mai gây ra, thì đừng ngần ngại tỉa bỏ và đem đi thiêu hủy. Cuối cùng, hãy nhớ kỳ cọ, rửa sạch kéo cắt tỉa bằng cồn hoặc thuốc tẩy chuyên dụng sau khi làm vườn.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: