Kinh Nghiệm

Bệnh phấn trắng là gì? Cách kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả

04/01/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Bệnh phấn trắng là khái niệm dùng để gọi một nhóm bệnh do một số loài nấm có họ hàng gần gây ra. Triệu chứng chung của bệnh phấn trắng là hình thành một lớp phủ hoặc những đốm trắng giống như bột phấn trên lá, thân và cành của thực vật. Bệnh xuất hiện trên nhiều loài cây khác nhau, khiến cây giảm sức sống, giảm chất lượng, số lượng hoa và quả, gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế nếu không có biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh kịp thời.

Bệnh phấn trắng thường xuất hiện trên hoa hồng.

1. Bệnh phấn trắng là gì?

Bệnh phấn trắng là bệnh do nấm Erysiphe cichoracearum gây ra. Có nhiều loài nấm gây bệnh phấn trắng khác nhau và mỗi loài tấn công một họ cây khác nhau. Cây họ bầu bí (bí xanh, bí ngô, dưa chuột, dưa hấu), cây họ cà (cà chua, cà tím, ớt), hoa hồng và một số cây họ đậu thường là những loài cây bị bệnh phấn trắng tấn công nhiều nhất.

Khi cây bị nhiễm bệnh, các bào tử nấm liên kết với nhau để tạo thành một lớp phủ màu trắng (trông giống như bột phấn) trên bề mặt lá. Sau đó, các bào tử nấm này sẽ nương theo gió phát tán đến những cây khác, khiến bệnh phấn trắng lan ra rộng hơn. Ở giai đoạn đầu, bệnh phấn trắng làm chậm quá trình phát triển của cây và khi tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, năng suất và phẩm chất nông sản sẽ bị sụt giảm đáng kể.

2. Bệnh phấn trắng lây lan và phát tán như thế nào?

Bệnh phấn trắng chủ yếu lây lan theo 2 con đường sau:

  • Lây lan theo gió: bào tử nấm bay theo gió để phát tán từ vườn này sang vườn khác; hoặc từ cây bệnh sang cây khỏe.

  • Bệnh cũ tái phát: Nếu trước đây, vườn cây của chúng ta đã từng bị nhiễm bệnh, thì khả năng tái bệnh rất cao, do bào tử nấm vẫn còn trú ẩn hoặc sót lại trong xác cây hay cỏ dại trong vườn.

Không giống như nhiều bệnh khác do nấm gây ra, bệnh phấn trắng phát tán mạnh ở các vùng có khí hậu khô, nóng (nhiệt độ 15-27°C). Mặc dù vậy, bào tử nấm lại lây lan nhanh ở môi trường có ẩm độ tương đối cao (tức là xung quanh cây hoặc trong vườn ẩm ướt). Ngoài ra, nấm bệnh có xu hướng tấn công những cây trồng ở nơi râm mát hơn là những cây đón nắng trực tiếp.

Bệnh phấn trắng phát tán và lây lan kém ở những khu vực có khí hậu mát mẻ, mưa nhiều hoặc khi nhiệt độ cao hơn 32°C.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh phấn trắng

  • Nếu quan sát những cây bị nhiễm bệnh, chúng ta sẽ thấy chúng trông như bị rắc một lớp bột mì trắng.
  • Thông thường, bệnh phấn trắng bắt đầu xuất hiện dưới dạng những đốm tròn màu trắng trên lá, thân và đôi khi là quả.
  • Bệnh phấn trắng có thể phát triển ở cả mặt trên và dưới của lá, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở mặt trên.
  • Lá non dễ bị hư hại nhất. Lá bệnh sẽ chuyển dần sang màu vàng và khô héo. Trong một số trường hợp, lá còn bị xoắn, gãy hoặc biến dạng.
  • Sau một thời gian, từ các đốm trắng ban đầu, bệnh phấn trắng sẽ lan rộng ra và bao phủ gần hết các lá hoặc các bộ phận bị ảnh hưởng của cây.
  • Vào cuối mùa sinh trường, các lá, chồi và ngọn đang phát triển cũng sẽ bị bệnh làm cho biến dạng.

Bào tử nấm gây bệnh phấn trắng phủ khắp bề mặt lá cây.

4. Một số cách phòng ngừa bệnh phấn trắng đơn giản và tiết kiệm

Giống như tất cả các loại bệnh hại khác, biện pháp tốt nhất để kiểm soát bệnh phấn trắng là chủ động phòng ngừa trước khi cây bị bệnh. Một số biện pháp mà chúng ta có thể áp dụng để phòng trừ bệnh phấn trắng là:

  • Chọn giống kháng có khả năng chống chọi bệnh phấn trắng. Hiện nay, một số loài cây như bầu bí (dưa hấu, dưa chuột, bí xanh,...) đều đã được phát triển giống kháng.
  • Ưu tiên trồng cây ở những nơi nhiều nắng hơn là nơi râm mát để hạn chế sự sinh sản của nấm bệnh.
  • Thường xuyên cắt tỉa, dọn dẹp xác cây khô hoặc cỏ dại để giúp vườn cây thông thoáng, khô ráo, không khí dễ lưu thông.
  • Tưới nước từ trên xuống có thể giúp rửa trôi bào tử nấm khỏi bề mặt lá. Tuy nhiên, lưu ý rằng đây không phải là một cách làm tối ưu bởi vì lá ẩm ướt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh sinh sôi.

5. Kiểm soát bệnh phấn trắng bằng cách nào?

5.1. Kiểm soát bệnh phấn trắng bằng dung dịch hữu cơ

Lưu huỳnh, vôi-lưu huỳnh (lime-sulfur), dầu neem và kali bicacbonat là một số thuốc diệt nấm phấn trắng hữu cơ mà chúng ta có thể sử dụng trong giai đoạn cây mới chớm bệnh và chưa bị nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, Baking soda cũng đã được nhiều người làm vườn công nhận là có hiệu quả trong việc điều trị bệnh phấn trắng. Cách sử dụng: Trộn 1 muỗng cà phê baking soda trong 1 lít nước. Sau đó xịt trực tiếp lên nơi có nấm bệnh.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể sử dụng sữa để trừ nấm bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng. Pha loãng sữa với nước (theo tỉ lệ 1:10) và phun trực tiếp lên cây khi nghi ngờ có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc để phòng ngừa bệnh.

5.2. Kiểm soát bệnh phấn trắng bằng thuốc diệt nấm đặc trị

Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc đặc trị các loại nấm gây bệnh phấn trắng, sương mai, thán thư, v.v… Những loại thuốc này thường có hiệu quả cao, ít độc tính, không tồn dư và thời gian hiệu quả kéo dài. Một ví dụ điển hình là thuốc diệt nấm HortiPhos 600. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào cũng vậy, chúng ta cần phun thử để xem phản ứng của cây với thuốc trước khi phun trên diện rộng.

Thuốc diệt nấm HortiPhos 600 kiểm soát và tiêu diệt trực tiếp nấm gây bệnh, đồng thời thúc đẩy khả năng kháng bệnh của cây.

>>> Xem thêm: Bệnh thán thư và cách phòng trừ hiệu quả.

5.3. Kiểm soát bệnh phấn trắng bằng cách loại bỏ cây bệnh

Thực tế là một khi cây đã bị bệnh phấn trắng ở mức độ nặng thì rất khó để diệt trừ tận gốc nấm gây bệnh, do đó, chúng ta nên tập trung vào việc phòng trừ và ngăn chặn bệnh lây nhiễm từ cây này sang cây khác.

  • Loại bỏ tất cả các tán lá, thân và quả bị nhiễm bệnh và đem đi thiêu hủy. Tuyệt đối không dùng xác cây bệnh để làm phân trộn vì nấm bệnh vẫn có thể lây lan theo gió và tồn tại trong các vật liệu ủ.
  • Sau đó, chúng ta phải tiến hành khử trùng và rửa sạch nông cụ dùng để cắt tỉa cây bệnh sau khi sử dụng.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: